Vụ Sức khỏe tinh thần Thái Lan công bố Kế hoạch điều trị tâm lý nạn nhân vụ xả súng tại tỉnh Nakorn Ratchasima, Thái Lan
Vụ xả súng tại trung tâm thương mại Terminal 21, tỉnh Nakorn Ratchasima, Thái Lan vào ngày 08 tháng 02 năm 2020 đã khiến cho ít nhất 26 người thiệt mạng trong đó có cảnh sát và thành viên của đội tác chiến đặc biệt. Với tính chất nghiêm trọng chưa từng có như vậy đã khiến cho người dân Thái Lan vô cùng bàng hoàng đặc biệt là những nạn nhân may mắn còn sống sót sau vụ việc. Vụ sức khỏe tinh thần Thái Lan vừa công bố kế hoạch điều trị tâm lý nạn nhân vụ xả súng bao gồm 4 giai đoạn hy vọng sẽ giúp nạn nhân mau chóng hồi phục sức khỏe về mặt tinh thần.
4 giai đoạn mà Vụ sức khỏe tinh thần Thái Lan công bố bao gồm Giai đoạn khẩn cấp, giai đoạn ngắn, giai đoạn trung và giai đoạn dài. Đồng thời huy động các chuyên gia về tâm thần học nhằm giúp đỡ các nạn nhân chịu tác động từ vụ xả súng ở tỉnh Nakorn Ratchasima.
Ngày 09 tháng 02 năm 2020, bác sĩ Kiattiphum Wongrajit – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe tinh thần đã phát biểu về vụ xả súng xảy ra ở tỉnh Nakorn Ratchasima vào một ngày trước đó (08/02/2020) rằng Vụ Sức khỏe tinh thần đã cử đội MCATT (Đội khủng hoảng sức khỏe tinh thần) tới để chăm sóc sức khỏe tinh thần của người dân một cách khẩn trương từ tối ngày 08/02. Và ngay trong sáng ngày 09/02/2020, Vụ cũng đã cử thêm nhiều nhân sự chuyên về sức khỏe tinh thần bao gồm Đội chuyên gia của Bệnh viện tâm thần Nakorn Ratchasima Rachanagarindra, Trung tâm Sức khỏe tinh thần số 9 thuộc Bệnh viện tâm thần Khon Kaen Rachanagarindra, Viện sức khỏe tinh thần trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên miền Đông Bắc và Văn phòng Y tế thuộc tỉnh Nakorn Ratchasima cùng hợp tác với Đội của MCATT tại địa phương.
Vụ Sức khỏe tinh thần chia nhiệm vụ ra làm 3 phần bao gồm Hỗ trợ về mặt chuyên môn, Tư vấn quá trình hỗ trợ và Ra hiện trường để thi hành nhiệm vụ. Trong trường hợp nếu ngày càng có nhiều nạn nhân bị tác động hơn, Vụ Sức khỏe tinh thần sẽ thành lập 8 đội MCATT dự phòng để chăm sóc cho các nạn nhân người lớn và 3 đội riêng chăm sóc các nạn nhân trẻ em và trẻ vị thành niên. Bác sĩ Kiattiphum còn cho biết Vụ sức khỏe tinh thần sẽ tiến hành quá trình Điều trị tâm lý bao gồm 4 giai đoạn sau:
1. Giai đoạn khẩn cấp (trong 72 tiếng đầu tiên): Người dân chịu tác động trực tiếp sẽ rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần, lo lắng và hoảng sợ, hoang man, có thay đổi nhanh chóng về hành động. Vụ Sức khỏe tinh thần đã cử Đội MCATT vào để đánh giá người dân, sàng lọc và khẩn trương giúp đỡ. Đặc biệt là nhóm nạn nhân chịu thiệt hại trực tiếp.
2. Giai đoạn ngắn (2 tuần lễ đầu tiên): Nạn nhân chịu tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp có thể sẽ chịu tác động về mặt tâm lý một cách liên tục. Họ có thể bắt đầu có những biểu hiện rối loạn tâm lý khác như chán chường, trầm cảm, nản chí, không thể thích nghi được, và có thể có biểu hiện hoảng loạn khi quay lại cuộc sống hàng ngày. Vụ Sức khỏe tinh thần đại diện là Đội MCATT và Bệnh viên tâm thần Nakorn Ratchasima Rachanagarindra sẽ tiến hành điều trị cho những ca bệnh cần kíp và bắt đầu tổ chức các hoạt động tại địa phương để người dân được thư giãn.
3. Giai đoạn trung (6 tháng): Đối với những nạn nhân vẫn còn nguy cơ về sức khỏe tinh thần thì Vụ sẽ liên tục theo dõi hàng tháng để theo dõi những biểu hiện tâm thần phát sinh sau đó như Hậu chấn tâm lý (PTSD)…
4. Giai đoạn dài: Vụ Sức khỏe tâm lý vẫn sẽ tiếp tục theo dõi nạn nhân và gia đình của họ, và cả gia đình của người thiệt mạng vẫn cần sự trợ giúp về tâm lý để có thể quay lại cuộc sống một cách bình thường nhất có thể.
Ông Kiattiphum còn cho biết nếu nếu người dân phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có bất kỳ biểu hiện tâm lý bất thường nào thì có thể đến gặp bác sĩ tâm lý ở bệnh viện tâm thần Nakorn Ratchasima Rachanagarindra hoặc liên lạc để xin được tư vấn qua đường dây nóng của Vụ Sức khỏe tâm lý 1323 miễn phí 24/7.
Credit: thestandard.co